Wednesday, April 22, 2015

Thiền là gì? Thiền Na

Thiền là gì?  Thiền Na

Trở lại với đề tài Truyền thống sinh động của Thiền tập trong đạo Bụt, chúng ta hãy tự hỏi Thiền là gì?

Thiền, nói cho đầy đủ là Thiền Na. Tuy vậy người ta thường ưa nói tắt, nên họ bỏ chữ "na" đi mà gọi là thiền thôi. Tiếng Phạn là Dhyana. Khi người Trung Hoa đọc chữ Dhyana thì họ phát âm là Ch'anna, rồi họ cũng bỏ chữ "na" để còn lại Ch'an thôi. Thành ra Ch'an là tiếng Trung Hoa, còn Thiền là tiếng Việt. "Ch'an" viết theo chữ Hán, người Việt đọc là Thiền, người Nhật đọc là Zen, và người Đại Hàn đọc là "Son". Trong tiếng Phạn, gốc của chữ Dhyana là Dhya. Trong tiếng Anh, chữ meditation đã được dùng để dịch chữ thiền.

Dhyanaty có nghĩa là suy nghĩ, quán chiếu, chăm chú vào một đề tài, (meditation, reflection). Vì vậy cho nên các tổ ngày xưa đã gọi thiền là Tư Duy Tu. Tư duy ở đây có nghĩa là suy nghĩ. Thường thường chúng ta nghe nói thiền không phải là suy nghĩ, tuy vậy gốc của chữ thiền lại có nghĩa là suy nghĩ! Vấn đề đặt ra là suy nghĩ cách nào, và tư duy ra làm sao?
Trước hết chúng ta nên biết rằng chữ thiền không phải chỉ được dùng riêng cho sự thiền tập trong đạo Bụt. Các giáo phái khác, các truyền thống khác có trước đạo Bụt, hoặc có mặt đồng thời với đạo Bụt, hay sau đạo Bụt, cũng dùng danh từ Dhyana. Vì vậy cho nên "thiền" không phải là danh từ chỉ dùng riêng cho đạo Bụt, mà là một danh từ dùng chung cho mọi giáo phái.
Trong thời Bụt còn tại thế, tuy trong kinh điển cũng có dùng danh từ thiền, nhưng những danh từ khác được dùng nhiều hơn. Tuy nhiên vào khoảng một trăm năm sau ngày Bụt nhập diệt thì danh từ thiền lại được dùng nhiều hơn là trong thời đại đạo Bụt Nguyên thủy. Đây là điều mình phải biết và mình đặt câu hỏi tại sao?
Cố nhiên khi đạo Bụt dùng danh từ thiền thì đạo Bụt cũng cho vào trong danh từ đó những ý nghĩa của đạo Bụt, vì những truyền thống ngoài đạo Bụt và có trước đạo Bụt, họ cũng dùng những danh từ đó. Tuy vậy, những ý nghĩa họ gán cho danh từ thiền không giống với ý nghĩa mà đạo Bụt giảng về danh từ đó. Điều này có nghĩa là có thể có những điểm đồng, nhưng có thể có những điểm dị.
Ví dụ như danh từ Luân hồi, Samsara. Trong những truyền thống ngoài đạo Bụt, người ta có một ý niệm và có thể hiểu nghĩa chữ luân hồi khác với đạo Bụt. Ví dụ ở ngoài đạo Bụt người ta tin vào một linh hồn bất tử, nghĩa là quan niệm về luân hồi ở ngoài đạo Bụt được căn cứ trên những ý niệm về linh hồn bất tử. Nhưng trong đạo Bụt, chúng ta học giáo lý vô ngã, vì vậy mà luân hồi ở trong đạo Bụt phải được hiểu theo giáo lý vô ngã. Cho nên cùng là một danh từ, nhưng trong đạo Bụt nó có nghĩa khác với nghĩa dùng ngoài đạo Bụt.
Chữ thiền cũng vậy. Chúng ta biết rằng trong thời gọi là Phật giáo Nguyên thủy, tức là thời đạo Bụt còn là đạo Bụt của Bụt, thì các thầy đã thực tập thiền tọa, các thầy đã thực tập thiền hành, thực tập ăn cơm im lặng, thực tập hơi thở có chánh niệm. Tất cả những loại thực tập đó là một sự thật, và cái tuệ, cái tình thương, cái an lạc, cái thảnh thơi của Bụt cũng như của các vị đệ tử, đều được phát xuất từ những thực tập này. Những thực tập đó, ngày nay mình có thể gọi là thiền tập. Nhưng mình cũng có thể gọi bằng những danh từ khác.
Chúng ta nên nhớ rằng khi thực tập ngồi thiền, không phải ta ngồi cho một mình ta mà ngồi cho tất cả tổ tiên của ta, cho thầy ta, cho cha, cho mẹ, và cả cho các đệ tử của chúng ta nữa. Sự thật là mình mang trong mình tất cả những người đó. Mình là nơi gặp gỡ của tất cả tổ tiên tâm linh cũng như huyết thống, và của các thế hệ con cháu. Mình nên tập nhìn như vậy thì nó sẽ đúng với cái thấy của Bụt, tức là cái thấy về duyên sinh.
Khi ngồi xuống, thân mình ngay thẳng, vững chãi; hơi thở mình được điều hợp thì sự vững chãi đó, sự điều hợp đó, sự thức tỉnh đó là sự vững chãi, thức tỉnh, và điều hợp của tất cả tổ tiên, cha mẹ, ông bà và con cháu của chúng ta. Dù ta đang nhỏ, nhưng con cháu của chúng ta cũng đã có rồi, và có ngay trong con người của chúng ta. Cũng như khi nhìn cây chanh, mới thấy hoa thôi nhưng mình biết rằng trái nó nằm ngay trong cây chanh. Vậy thì dù mình còn trẻ, mình chưa chính thức có con, có cháu, chưa có dịp truyền giới cho con, cho cháu, nhưng con cháu mình đã có sẵn trong mình rồi.
Vì vậy khi ngồi là mình ngồi cho tất cả, và khi mình mỉm cười được tức là mình mỉm cười cho tất cả. Đó là cái thấy của Hoa Nghiêm. Khi đi thiền hành, bước một bước là mình bước cho cha, cho mẹ, bước cho ông bà tổ tiên, bước cho Bụt, cho thầy. Điều này rất là rõ ràng. Đây không phải là thi ca, đây cũng không phải là triết lý, mà đây là sự thật. Nếu mình bước được một bước vững chãi, thì thầy mình được nhờ, tổ tiên mình được nhờ, Bụt được nhờ, và con cháu của mình cũng được nhờ luôn. Phải thấy như vậy. Thành ra đừng nghĩ rằng thực tập đây là thực tập cho riêng mình. Cái thấy đó là cái thấy cạn cợt. Cái thấy mà Bụt muốn mình có là cái thấy tương nhập.
Khi làm hòa được với sư anh của mình, làm hòa được với sư chị, sư em của mình, tức là mình làm cho Bụt, cho thầy, cho cha mẹ, cho con cháu, cho đệ tử của mình. Những điều đó quan trọng lắm. Nếu mình tới được với người kia, mình nắm tay người kia, mình nói rằng em không còn giận anh nữa, chị không còn giận em nữa, tôi không còn giận anh nữa, thì đó là một hành động nó làm cho cả thế giới hòa bình. Ngay lúc đó, trong trái tim của tổ tiên mình, của con cháu mình có một sự chuyển hóa, và nhờ tu tập mà mình biết mình có thể làm được chuyện đó.
Mình buông cái khí giới tự vệ, buông cái khí giới trong tâm mình, thì đồng thời tất cả tổ tiên, ông bà, con cháu của mình đều buông khí giới đó, và nhờ vậy mà thế giới trở nên hòa bình!
Hồi còn nhỏ nếu có dịp đút cơm cho em của mình, mình biết rằng em nó ăn được một muỗng thì mình mừng, tại vì nhiều khi nó không chịu ăn. Mình phải tự há miệng ra thì nó mới chịu ăn. Mình biết rằng em nó ăn thì nó có sức khỏe, thành ra nhiều khi mình dụ nó và mình nói: Muỗng này cho ba này, và nó há miệng ra ăn một muỗng. Xong rồi mình nói muỗng này cho mẹ này, nó há miệng ra ăn một muỗng nữa. Muỗng này cho bà này ...
Mà sự thật là như vậy, em bé ăn được là ăn cho cha, cho mẹ, cho bà, cho mình. Chuyện đút cơm cho em như vậy tuy nó giống một trò chơi, nhưng thật ra nó rất đúng với cái nhìn duyên sinh. Khi mình giữ gìn được thân thể của mình, mình thực tập cho vững chãi, mình có niềm vui, mình chuyển hóa thân tâm, mình nở được nụ cười thì tất cả những điều đó không phải chỉ làm riêng cho mình mà còn cho tất cả mọi người, cho tổ tiên ông bà cha mẹ.
Cũng vậy, khi mình trở thành một sư cô, một sư chú thì cái hành động xuất gia đó là cái mình làm chung cho tổ tiên, cho dòng họ, và cho con cháu của mình. Mình đầu tư hạnh phúc cho tất cả.
Trong đời sống hàng ngày, mình có thể nhắc nhở cho chính mình trong khi mình chùi nồi, bổ củi, đốt lò, nấu ăn, rửa chén, ngồi thiền, đi thiền hành v.v... Mình nên nhắc nhở cho chính mình rằng tất cả những điều mình đang làm đây là làm cho tất cả tổ tiên và con cháu, thì tự nhiên mỗi động tác nó trở thành một cái gì rất là thiêng liêng, và mình không còn coi nhẹ những cái đó nữa. Mỗi chiến thắng của mình là mỗi chiến thắng của tất cả. Chiến thắng ở đây là chiến thắng sự vô minh, chiến thắng tham ái, giận hờn, ganh tỵ. Khi nhìn một hiện tượng cho sâu sắc, nhìn mặt trăng cho sâu sắc, nhìn bông hoa cho sâu sắc, nhìn hạt cơm cho sâu sắc, đó là một chiến thắng. Nở một nụ cười tươi mát, nói được một câu hòa giải với người anh em, tất cả những điều đó đều có thể coi như là những sự chiến thắng, và nếu chúng ta thực tập như vậy thì dù theo pháp môn Nam tông hay là Bắc tông, ta vẫn đi được trên con đường của Bụt, của các vị Bồ tát, tại vì chúng ta làm cho tất cả mọi người chứ không phải làm cho riêng chúng ta. Làm cho riêng ta, lo chuyện giải thoát cho riêng ta, là không phải tinh thần của Bụt.

NGHĨA CỦA DANH TỪ THIỀN



Theo sự giải thích của các tổ thì chữ thiền có nghĩa là quán chiếu về một đối tượng, tiếng Anh là the contemplation of a given object. Đó là nghĩa đầu tiên. Tức là mình lấy sự vật nào đó làm đối tượng, và mình nhìn vào nó.
Nghĩa thứ hai cũng tương tự như vậy: Mình đến rất gần, mình tiếp xúc rất gần, mình nhận xét rất gần đối tượng đó, và đối tượng đó thuộc về thế giới hiện tượng. Có thể từ thế giới hiện tượng đó mình đi sâu vào thế giới bản thể. Ví dụ như là đợt sóng. Khi mình quán chiếu đợt sóng một cách rất gần gũi, thì mình khám phá ra được bản chất của sóng là nước. Như vậy nghĩa thứ hai có thể dịch ra tiếng Anh là to examine closely the characteristics of a phenomenon.
Nghĩa thứ ba là loại trừ, tiếng Anh là to eliminate. Trong thiền tập, mình có chủ tâm loại trừ những chất liệu, những yếu tố nó làm cho mình khổ đau, nó làm cho mình đen tối, nó làm cho mình mờ ám, bất an. Thiền sư Khương Tăng Hội, trong bài tựa của kinh An Ban Thủ Ý, cũng định nghĩa thiền là sự loại trừ. Chữ Hán gọi là Khí, có nghĩa là loại trừ. Trong tiếng Phạn có động từ Jh(yati, tiếng Pali là Jh(peti, có nghĩa là đốt cháy, to burn. Đó cũng là một lối cắt nghĩa về thiền của các vị tổ sư.
Nghĩa thứ tư, trong thiền tập tâm ý của chúng ta được định lại trên một đối tượng. Nhờ định lực đó mà chúng ta có sức mạnh, và với sức mạnh đó chúng ta đốt cháy được những phiền não. Như vậy nó cũng có nghĩa tương tự như "khí" hay là loại trừ. Hình ảnh gần nhất mà chúng ta có thể dùng là hình ảnh của một thấu kính hội tụ tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Tất cả những tia sáng mặt trời, sau khi đi qua thấu kính thì tụ vào một điểm, và nếu chúng ta đặt một bông cỏ đúng vào tiêu điểm đó, thì sức nóng hội tụ của ánh sáng mặt trời có thể đốt cháy được cái bông cỏ đó.
Thành ra trong thiền tập, nếu chúng ta có định lực hùng hậu thì ta có thể dùng cái định lực đó để chiếu vào trạng thái hôn mê, phiền não, và những trạng thái hôn mê, phiền não đó có thể bị đốt cháy. Đó là một ý nghĩa khác của thiền tập do chư tổ đưa ra, và nó rất gần với cái ý niệm "khí" tức là loại trừ.
Thầy Nyanaponika là một học giả người Đức, tác giả cuốn The Heart of Buddhist Meditation, một cuốn sách chuyên dạy về chánh niệm. Thầy đã tu học ở Tích Lan lâu năm và đã cư trú tại Forest Hermitage tại Tích Lan mấy mươi năm nay. Thầy vừa tịch cách đây hơn một tháng, lúc thầy tám mươi mấy tuổi.
Ngày xưa, lúc tôi còn làm việc ở Paris, thầy có đến thăm trụ sở của phái đoàn Phật giáo Việt Nam. Thầy đã đem quyển Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức về Tích Lan và cho xuất bản sau khi đã đề tựa. Vì độc giả của nhà xuất bản ở Tích Lan hầu hết là theo đạo Bụt Nam tông, cho nên khi xuất bản quyển này bằng tiếng Anh ở Tích Lan, thầy đãù xin phép lấy ra khỏi tác phẩm những tư tưởng Đại thừa. Tôi đã đồng ý, vì hồi đó tôi cũng đã lớn rồi, tôi nghĩ rằng như một dòng sông, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Lấy về để tắm cũng được, lấy về để uống trà cũng được, lấy về để rửa chân cũng được. Lấy ít cũng được, lấy nhiều cũng được, không sao hết, cho nên tôi rất hoan hỷ. Sau đó thì cuốn Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức được in bằng tiếng Đức, rồi mới in bằng tiếng Anh. Kế đến là tiếng Thái Lan.  Thầy Nyanaponika đã ở với tôi mấy ngày tại Paris. Tôi còn nhớ một hôm đưa thầy vào công viên Parc de Sol, hai người ngồi trên băng đá để đàm đạo rất an lạc. Bây giờ thì thầy đã tịch rồi.
thuvien-thichnhathanh.org

No comments: